Học ngoại ngữ bằng AI: Tại sao không?

Trong thời đại số hóa, việc học ngoại ngữ không còn bó hẹp trong khuôn khổ lớp học truyền thống hay các trung tâm ngoại ngữ. Ngày nay, học sinh lựa chọn công nghệ AI để chủ động tiếp thu kiến thức một cách trực quan, sinh động và gần gũi hơn.

Học sinh hứng thú với các ứng dụng học ngoại ngữ tích hợp AI trên điện thoại. Ảnh: Minh Hạnh
Học sinh hứng thú với các ứng dụng học ngoại ngữ tích hợp AI trên điện thoại. Ảnh: Minh Hạnh

AI và việc học ngoại ngữ

Trong thời đại công nghệ tiên tiến, AI (hay còn gọi là trí tuệ nhân tạo) phát triển ngày càng mạnh mẽ, việc sử dụng AI đúng cách trong một số công việc sẽ giúp nâng cao hiệu suất và rút ngắn thời gian làm việc.

Đối với thế hệ Gen Z, những người được sinh ra trong giai đoạn bùng nổ kỹ thuật số, việc tiếp cận và sử dụng công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu. Thế hệ này không chỉ sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng mà còn biết cách khai thác các ứng dụng AI để hỗ trợ học tập, đặc biệt là trong việc học ngoại ngữ.

Những video về chủ đề “học tiếng anh bằng AI” trên nền tảng TikTok không bao giờ hết hot khi có đến vài trăm hoặc vài chục ngàn lượt xem. Khi những người sáng tạo nội dung nắm bắt được cơ hội để thu hút lượt xem, lượt quan tâm của cộng đồng mạng bằng cách sáng tạo những video giới thiệu về các phần mềm AI, thì càng có nhiều người biết cách tận dụng nó để trở thành công cụ học tập có ích.

Các video có lượt xem cao với từ khoá “học tiếng anh bằng AI” trên TikTok (Nguồn: tiktok.com)
Các video có lượt xem cao với từ khoá “học tiếng anh bằng AI” trên TikTok (Nguồn: tiktok.com)

Các ứng dụng học ngoại ngữ có tích hợp AI như Duolingo, ELSA Speak, Grammarly, ChatGPT, The Coach… đã trở thành những công cụ hữu ích, giúp học sinh không chỉ học từ vựng mà còn rèn luyện kỹ năng phát âm, ngữ pháp và khả năng giao tiếp.

Trần Khánh Vân (học sinh lớp 10 Anh 1, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh) chia sẻ: “Em đã từng sử dụng qua các phần mềm có tích hợp AI để học tiếng Anh. Thì em thấy phần mềm The Coach khá là hữu dụng cho các bạn muốn nói tiếng Anh nhưng ngại giao tiếp như em. Phần mềm này cho phép mình nói chuyện trực tiếp với AI và nó sẽ đề xuất những câu hỏi để cho mình trả lời.”

Bạn Nguyễn Thị Thảo Vy (18 tuổi, ngụ phường Trảng Dài) đánh giá, khi dùng những phần mềm AI để tập luyện khả năng viết ngoại ngữ thì bài viết của mình sẽ được chấm một cách khách quan nhất có thể, vì phần mềm đã được lập trình trước những từ khoá, khi viết đúng những từ đó sẽ đạt được số điểm tương ứng.

Điểm này khác với việc học truyền thống vì thường thì thầy cô sẽ chấm theo chủ quan nhiều hơn. Tuy nhiên sử dụng AI cũng có hạn chế, đó là khi AI chấm và sửa lỗi sai thì học sinh sẽ không hiểu tại sao mình sai chỗ đó và AI không thể đóng vai trò là người giáo viên giảng giải cho học sinh hiểu.

Tối ưu hóa thời gian và chi phí

Việc sử dụng AI để học ngoại ngữ không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn tối ưu chi phí. Học sinh không cần phải chi trả cho các khóa học đắt đỏ tại trung tâm mà vẫn có thể học mọi lúc, mọi nơi với sự trợ giúp của các ứng dụng AI. Điều này mở ra cơ hội cho tất cả học sinh trên khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là những nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn có cơ hội học tập bình đẳng.

Bạn Đỗ Nguyễn Khánh Hiền (học sinh lớp 10 Anh 1, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh) chia sẻ: “Khi sử dụng những ứng dụng AI, mình có thể luyện tập bất cứ lúc nào mình muốn, nó khác với nói chuyện với người thật. Ví dụ như nói chuyện với người nước ngoài ở trung tâm thì mình phải hẹn giờ, phải chi một số tiền rất là lớn, trong khi dùng app thì mình có thể nói mọi lúc với chi phí thấp hơn rất nhiều hoặc gần như là miễn phí luôn.”

Xu hướng tương lai?

Theo một nghiên cứu của Duolingo đánh giá kỹ năng đọc và nghe của những người học Duolingo đã hoàn thành 7 học phần đầu tiên của khóa học tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Pháp trên ứng dụng này, có mức độ thành thạo ngôn ngữ tương đương với những sinh viên đại học ở Mỹ đang học kỳ thứ 5.

Những người sử dụng ứng dụng để học ngôn ngữ chỉ mất một nửa thời gian học so với sinh viên đại học đã học ngôn ngữ đó qua 4 kỳ học, và đạt số điểm tương đương.

Bảng so sánh số điểm nghe và đọc tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp giữa người học Doulingo và sinh viên đại học kỳ thứ 4 tại Mỹ Nguồn: https://onlinelibrary.wiley.com/ - Đồ hoạ: Minh Hạnh
Bảng so sánh số điểm nghe và đọc tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp giữa người học Doulingo và sinh viên đại học kỳ thứ 4 tại Mỹ. Nguồn: https://onlinelibrary.wiley.com/ – Đồ hoạ: Minh Hạnh

Những khả năng AI có thể làm được cho giáo dục đã và đang đặt ra thách thức cho hệ thống giáo dục truyền thống. Để không bị tụt hậu, các giáo viên ngoại ngữ cần phải chủ động tìm hiểu và làm chủ công nghệ. Việc tích hợp AI vào giảng dạy không chỉ giúp nâng cao hiệu quả đào tạo mà còn làm phong phú thêm phương pháp giảng dạy, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh.

Tại Việt Nam, không ít trường đại học đã nắm bắt xu thế và nghiên cứu, ứng dụng AI vào trong giảng dạy như Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Trường ĐH Fulbright Việt Nam, Đại học RMIT, Đại học FPT,..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Vị trí
Gọi trực tiếp
Chat ngay
Chat trên Zalo